Lượt xem: 736

Bác trong tim người chiến binh ngoại quốc

Suốt 70 năm, một người lính chiến Pháp đã lưu giữ trong tim ông hình ảnh Hồ Chủ tịch. Và cũng ngần ấy thời gian, người lính ấy chỉ ước mong một điều là được trở lại chiến trường Điện Biên - nơi ông đã “quăng” tuổi thanh xuân gần chục năm ở đó, để ôn lại ký ức bi thương và trao tấm chân dung Lãnh tụ Hồ Chí Minh cho Việt Nam. Câu chuyện xúc động ấy lần đầu tiên được kể.

 

    “70 năm Hồ Chủ tịch ở trong tim tôi”

    Cuối thập niên 40 của thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến   tàn khốc, gian khổ, cam go nhất của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Kẻ thù lúc đó của Nhân dân Việt Nam là đế quốc Pháp - một trong hai đế quốc hung hãn sừng sỏ nhất thời đại lúc bấy giờ. Cứ điểm Điện Biên Phủ lúc đó là “vùng chiến sự đặc biệt” mà quân và dân Việt Nam cần phải giải phóng.

    Để có niềm tin chiến đấu và chiến thắng quân thù, trên các điểm cao, hầm hào, lán trại của bộ đội Việt Minh đều có hai thứ: Một là hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai là lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam. Bởi đây được coi là hai “báu vật” luôn thường trực trong tim mỗi người lính, mỗi người dân lúc ấy. Trong muôn vàn khó khăn, bộ đội Việt Minh nhìn thấy cờ Tổ quốc là thấy niềm tin chiến thắng; trong gian khổ nhìn thấy ảnh Bác Hồ là nhìn thấy ngọn cờ và quyết tâm đánh giặc. Trong hơn 8 triệu quân viễn chinh Pháp được chính quyền Pháp “tung xuống vùng lõm” Điện Biên, có một người lính trẻ măng, anh tên là Pierre Flamen.


Bức tranh chân dung Hồ Chủ Tịch do Pierre Flamen lưu giữ suốt 70 năm tại gia đình riêng ở Pháp - Ảnh tư liệu

    Cũng như nhiều lính Pháp lúc đó, Pierre Flamen là “lính đánh thuê” cho chính phủ Pháp. Anh được giao nhiệm vụ trinh sát thực địa, nắm tình hình, báo cáo về “đầu não” chỉ huy. Đơn vị của Pierre Flamen lúc đó “chốt ngầm” ở “lòng chảo” Điện Biên Phủ. Một lần Pierre Flamen đi trinh sát thực địa, từ xa xa anh nhìn thấy các lán trại của bộ đội Việt Minh như những chiếc ô nấm ngụy trang bí mật từ những bìa rừng nguyên sinh. Bí mật, anh mon men lại gần xem “bộ đội Việt Minh để gì trong đó?”. Ghé mắt qua bức liếp cỏ tranh, anh nhìn thấy một tấm ảnh vẽ chân dung một cụ già mặc áo mùa đông, vầng trán rộng, đôi mắt quầng sâu. Anh nghĩ: “Đây là Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ của Nhân dân Việt Nam”.

    Trong một lần trinh sát trên địa hình Cam Lộ, anh tình cờ nhặt được một chiếc xắc hình chữ nhật. Đem về trại, mở ra. Anh không tin nổi, đó là bức tranh chân dung người mà anh đã “nhìn trộm” qua khe liếp lần đi trinh sát trước đó. Đoán của bộ đội Việt Minh rơi dọc đường hành quân, Pierre Flamen gói ghém cẩn thận. Đó là một chiều cuối đông năm 1949.

    Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ chấm dứt, Pierre Flamen về Pháp đem theo bức chân dung đặc biệt ấy. Cũng như những người lính trẻ lúc đó, Pierre Flamen bước vào cuộc sống của người lính chiến sau “cuộc viễn chinh xâm chiếm ngoại bang”. Những đêm dài không ngủ Pierre Flamen day dứt vì chính anh đã cầm súng chiến đấu trên chiến trường Điện Biên mà chẳng đem lại kết cục gì. Trong nỗi dằn vặt lương tâm của kẻ thất trận, Pierre Flamen muốn một dịp nào đó trở lại Việt Nam để nói rằng chiến tranh đã kết thúc nhiều năm, bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh xin gửi lại người Việt, chỉ người Việt mới có quyền lưu giữ bức tranh đặc biệt này.

    Tháng 5-2019, tức là tròn 65 năm khi cuộc chiến Điện Biên kết thúc, trong hành trình đi tìm quá khứ bi thương, Pierre Flamen đã quyết định trở lại Việt Nam. Khác với lần đến Việt Nam 65 năm trước, bây giờ Pierre Flamen là cựu chiến binh đã tuổi cao sức yếu. Hành trang Pierre Flamen đến Việt Nam vừa tìm về Điện Biên Phủ - nơi chôn vùi tuổi xuân của ông gần 10 năm ở đấy, nhưng quan trọng hơn là trao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bức tranh chân dung Hồ Chủ tịch mà ông đã lưu giữ suốt 70 năm qua.

    Ngày Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức trang trọng tiếp nhận bức tranh chân dung Hồ Chủ tịch, Pierre Flamen rưng rưng nói trước phóng viên báo đài: “Tôi cũng hơi tiếc, vì tôi thực sự thích và lưu luyến bức tranh, nhưng tôi nghĩ nó xứng đáng được ở nơi nó cần ở. Tôi nghĩ rằng có thể người dân Việt Nam rất ngạc nhiên khi thấy một người lính Pháp đem bức tranh này theo mình. Nhưng với tôi, đây là một kỷ niệm quý báu. Đây dù sao cũng là một bức tranh được thực hiện rất tỉ mỉ và tài năng, một dạng thủ pháp, hình ảnh rất giống, đơn giản nhưng hiệu quả. Đó chính là vị Chủ tịch của các bạn, ông đã qua đời nhưng mãi vẫn là Chủ tịch của các bạn. 70 năm qua, Hồ Chủ tịch luôn ở trong trái tim tôi”.


Bức tranh “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” được cựu binh Pierre Flamen gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh.

    Kể về quá trình lưu giữ bức tranh vẽ chân dung Hồ Chủ tịch trên nền giấy dó, vị cựu binh Pháp chia sẻ, ông đã cất cẩn thận tại nơi làm việc. Sau khi rời quân ngũ, ông lưu giữ tại nhà riêng ở thành phố Montreuil, Cộng hòa Pháp. “Năm 1948, lần đầu tiên đến Việt Nam với vai trò là một người lính trong quân đội Pháp, thuộc Tiểu đoàn 6, lính dù ở Điện Biên Phủ. 70 năm sau, tôi là cựu binh Pháp. Tôi tìm đến Việt Nam để nói rằng, chiến tranh đã kết thúc, chúng ta bây giờ là bạn, quá khứ bi thương đã khép lại bằng tình hữu nghị giữa hai dân tộc” - Pierre Flamen nói.

    Chứng kiến buổi tiếp nhận bức tranh chân dung Hồ Chủ tịch hôm ấy, có Giáo sư sử học Lê Văn Lan và nhiều cán bộ nghiên cứu lịch sử chiến tranh quân đội. Qua nghiên cứu, Giáo sư Lê Văn Lan khẳng định, bức tranh mà cựu binh Pháp Pierre Flamen lưu giữ, là bức tranh cổ động do họa sĩ Phan Văn Doãn vẽ, được Ty Truyền thông Yên Bái phát hành nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 59 của Hồ Chủ tịch, in trên giấy dó, kích thước khổ A3. Vấn đề bức tranh chân dung Hồ Chủ tịch không phải về thời gian, chất liệu, mà thể hiện tình cảm của người chiến binh nước Pháp đối với Bác Hồ. 70 năm trước, ông Pierre Flamen là “giặc Pháp”, sau 70 năm, Pierre Flamen là người bạn hữu tình của Việt Nam.

    Bức tượng Bác Hồ từ tâm người Pháp

    Giữa hàng trăm ngàn bức tượng, tấm ảnh anh hùng, di vật lịch sử ở Bảo tàng Quốc gia Hồ Chí Minh, có một bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trang trọng chính giữa. Theo dòng chảy của thời gian, bức tượng như có một sự liên kết giữa lịch sử và hiện tại. Câu chuyện về bức tượng bán thân Hồ Chủ tịch được người cai ngục Paul ở nhà tù Côn Đảo lưu giữ và trao gửi cho Việt Nam như một minh chứng cho tình cảm, hình bóng Bác Hồ luôn được thế giới ngưỡng mộ, trân trọng, cả những người đã từng cầm súng chỉa vào trái tim người cộng sản và Nhân dân Việt Nam trong quá khứ.


Bức tượng bằng đá bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh mà người tù Côn Đảo bí mật cất dấu bị giám ngục Paul Atoine Miniconi phát hiện thu giữ và lưu trữ - Ảnh tư liệu

    Năm 1920, Paul Atoine Miniconi là một trong nhiều người Pháp được chính phủ cử đến Việt Nam làm việc. Paul Atoine Miniconi lúc đó giữ chức giám ngục các lao tù Côn Đảo. Hằng ngày, nhiệm vụ của Paul Atoine Miniconi là kiểm tra an ninh tại các nhà giam xem “động thái của cộng sản” để sẵn sàng “thủ tiêu” khi có lệnh. Một lần kiểm tra, Paul Atoine Miniconi phát hiện những người tù cất giấu bí mật một vật mà ông nghi là vũ khí. Sau khi ông tổ chức khám xét, vật ông nghi ngờ không phải vũ khí, mà là bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Paul Atoine Miniconi đặt câu hỏi: “Tại sao cộng sản lại quý trọng bức tượng này?” Và khi biết rõ bức tượng bán thân kia là Hồ Chủ tịch, tại sao những người cộng sản lại bí mật cất giấu đã được “giải  mã”. Paul Atoine Miniconi đã quyết định giữ bức tượng lại như một sự thành kính tôn phục.

    Năm 1952, ông Paul Atoine Miniconi hết thời gian công tác tại Côn Đảo, ông trở về Pháp và đem theo bức tượng Hồ Chủ tịch. Trước khi Paul Atoine Miniconi qua đời, ông để lại bức tượng cho con trai của ông là Paul Miniconi và căn dặn con rằng, bức tượng Hồ Chủ tịch phải được đưa về Việt Nam. Ngày 01-12-2019,  tức là sau 79 năm, bức tượng bán thân Hồ Chủ tịch được Paul Miniconi và nhà sử học Pháp Frank Senateur đã trao cho Đại sứ Việt Nam Nguyễn Thiệp tại Cộng hòa Pháp. Sau đó chuyển về Việt Nam và đặt trang trọng tại Bảo tàng Quốc gia Hồ Chí Minh. Ông Paul Miniconi cho rằng, việc trao lại bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Chính phủ và Nhân dân Việt Nam chính là thực hiện di nguyện thiêng liêng của người cha thân yêu trước lúc qua đời.

Mai Thắng

 

Đối với người dân Việt Nam, Bác Hồ luôn thân thiện gần gũi, đối với người ngoại quốc. Đối với cựu chiến binh, Bác dành tình cảm đặc biệt. Bởi trước khi họ thành cựu chiến binh, họ đã cầm súng chiến đấu trên chiến trường để giải phóng dân tộc. Chiến binh Pháp cũng như chiến binh Việt Nam đều có mẫu số chung đó là chiến đấu hy sinh cho Tổ quốc tự do. Vì lẽ đó mà Bác Hồ luôn dành tình cảm đặc biệt cho cựu chiến binh, bất kể họ thuộc quốc gia, dân tộc nào.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 57
  • Hôm nay: 6048
  • Trong tuần: 76,755
  • Tất cả: 11,800,075